AXoay's Blog

Thích thì làm, thế thôi.

Ai cập, những vấn đề cần phải suy nghĩ

1. Thiếu việc làm: Nguyên nhân bất ổn xã hội Ai Cập
ổng thư ký Văn phòng Lao động Quốc tế (BIT) Juan Somavia cho rằng thiếu việc làm là một trong những yếu tố chủ yếu dẫn đến những cuộc biểu tình chống chính phủ tại Ai Cập.
Trong một thông cáo báo chí, ông Somavia cho biết từ nhiều năm qua, BIT đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu việc làm tại Ai Cập và nhiều nước khác trong khu vực, những nơi có tỷ lệ thất nghiệp, lao động không chính thức cao nhất trên thế giới.

Ông Somavia nhấn mạnh việc không giải quyết được triệt để vấn đề này cùng với những tác động từ nghèo đói và bất bình đẳng trong phát triển cũng như những trở ngại trong việc thực hiện những quyền tự do cơ bản làm nổ ra những cuộc biểu tình lớn như ở Ai Cập. Tuy nhiên, ông Somavia cũng đã hoan nghênh việc Ai Cập thành lập Liên đoàn của những nghiệp đoàn độc lập.
BIT từ nhiều tháng qua đã cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp cao trên thế giới là một trở ngại thực sự cho sự phát triển xã hội. Thiếu việc làm, nhất là cho thanh niên, đã là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ bạo động trong năm 2010 tại Hy Lạp và không lâu sau đó là tại Tunisia.
Theo những số liệu mà BIT mới công bố, có tới 205 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu trong năm 2010, một con số kỷ lục. Số thanh niên từ 15-24 tuổi bị thất nghiệp trong năm 2010 lên tới 77,7 triệu người, chiếm 12,6% tổng số người thất nghiệp, giảm so với năm 2009, nhưng vẫn cao hơn so với năm 2007 (73,5 triệu người).
Theo ông Somavia, tình trạng thất nghiệp của thanh niên làm xói mòn mối quan hệ giữa gia đình và xã hội cũng như sự tin tưởng vào những chính sách được thực hiện./.

2. Chế độ độc tài Mubarak bị lật đổ như thế nào?
Wael Ghonim- Người hùng của cuộc cách mạng tại Ai Cập lật đổ chế độ độc tài Mubarak

Internet châm ngòi lật đổ Mubarak như thế nào?

Những người Ai Cập trẻ tuổi phát động cuộc biểu tình từ ngày 25/1 qua các trang mạng xã hội. Chính quyền lập tức ngăn chặn nhưng vô hiệu và sau 18 ngày người dân nổi dậy, Tổng thống Mubarak buộc phải “nhổ neo”.

Chỉ ít ngày sau vụ nổi dậy của người dân dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali, các cuộc biểu tình tương tự cũng nổ ra tại nước láng giềng Ai Cập. Khởi đầu cho hoạt động này là sự phối hợp giữa các nhóm đối lập khác nhau thông qua các trang mạng xã hội.

Wael Ghonim, một trong những người đóng vai trò phát động biểu tình lật đổ Mubarak. Ảnh: AFP
Wael Ghonim, một trong những người đóng vai trò phát động biểu tình lật đổ Mubarak. Ảnh: AFP

Người được nhắc đến với vai trò khuấy động cuộc nổi dậy của người Ai Cập là Wael Ghonim, một nhân viên 30 tuổi của hãng Google và đang được coi như “người hùng”. Ghonim từng là quản trị của trang chống nạn tra tấn trên Facebook. Khi trả lời phỏng vấn CNN, Ghonim nhấn mạnh: “Đây là một cuộc cách mạng Internet và tôi sẽ gọi đó là cuộc cách mạng 2.0″.

Mọi chuyện bắt đầu khi Walid Rachid, 27 tuổi, một nhà hoạt động trên Internet viết mail cho Ghonim, khi đó đang hoạt động nặc danh, để đề nghị hỗ trợ cho kế hoạch biểu tình vào ngày 25/1. Bộ đôi này liên lạc với nhau qua hệ thống chat của Google, hình thức mà Ghonim tin là an toàn nhất, và cùng nhau lập ra liên minh giữa các nhóm thanh niên khác nhau.

Họ qua mặt các nhân viên an ninh của chính quyền bằng cách nói một cách khá lộ trên mạng rằng sẽ gặp nhau tại một thánh đường, nhưng trên thực tế cuộc gặp này diễn ra tại một khu vực nghèo ở Cairo. Nhà hoạt động mang hai dòng máu Ai Cập và Ireland là Sally Moore, 32 tuổi, cho biết thêm các nhà hoạt động đã chia làm hai nhóm hành động.

Một nhóm tập hợp lực lượng trong các quán cà phê, nhóm còn lại đi hô khẩu hiệu xung quanh các toà nhà và kêu gọi mọi người ra đường để biểu tình phản đối đói nghèo. “Nhóm của chúng tôi bắt đầu hành động khi tập trung được 50 người. Nhưng khi chúng tôi ra đường thì con số đi cùng đã lên tới hàng nghìn”, Sally Moore nói với The New York Times về ngày biểu tình đầu tiên hôm 25/1.

Từ nhóm thanh niên đầu tiên, những ngày biểu tình tiếp theo đã thu hút hàng nghìn người kéo tới quảng trường trung tâm Tahrir ở Cairo để đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. Nhiều người trong số này xuống đường do các lời kêu gọi đưa trên trang xã hội Twitter, trong khi những người khác rủ nhau đi biểu tình bằng tin nhắn điện thoại.

Phát hiện ra vai trò của Internet trong các cuộc biểu tình, chính quyền Mubarak phản ứng tức thì. Ngày 28/1, tổng thống ra lệnh chặn các mạng xã hội và cuối cùng là yêu cầu cả 4 nhà cung cấp Internet của Ai Cập chấm dứt dịch vụ để phân tán sức mạnh người biểu tình. Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ di động chính tại Ai Cập là Vodafone cũng cho biết họ bị buộc phải chặn sóng.

Nhưng hành động kiểm duyệt của chính quyền Mubarak lập tức cho thấy hoàn toàn không có hiệu quả. Ngày Ai Cập không có Internet 28/1 cũng được gọi là “Ngày nổi giận” khi hàng triệu người xuống đường. Biện pháp của chính quyền không thể ngăn được việc người biểu tình liên lạc với nhau để tập hợp lực lượng.

Chính quyền Mubarak cũng không thể “che mắt” được thế giới về những gì đang diễn ra tại Ai Cập. Kênh truyền hình vệ tinh Al-Jazeera vẫn phát đi tin tức trực tiếp về cuộc biểu tình suốt cả ngày, với sự cập nhật của mạng lưới phóng viên khắp Ai Cập qua hệ thống điện thoại cố định.

Sự kiện ngày 28/1 cũng cho thấy, cuộc biểu tình ở Ai Cập có thể khởi đầu từ Internet nhưng sau vài ngày đã không còn phụ thuộc vào môi trường này nữa. Bằng chứng là dù cả Internet lẫn mạng di động đều bị chặn, người biểu tình vẫn xuống đường với số lượng còn đông hơn nhiều so với trước.

Năm ngày sau, do sức ép của cộng đồng quốc tế, chính quyền Mubarak buộc phải khôi phục các dịch vụ viễn thông và các nhà hoạt động tiếp tục quay lại môi trường trực tuyến để tập hợp lực lượng. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, làn sóng biểu tình đã phát triển rất nhanh và lan rộng khắp Ai Cập. Do vậy vai trò quyết định của Internet trong việc kêu gọi mọi người xuống đường không còn nữa.

Người Ai Cập ăn mừng khi Mubarak từ chức. Ảnh: AP
Người Ai Cập ăn mừng khi Mubarak từ chức và “quyền lực nhân dân” được khẳng định. Ảnh: AP

Trên thực tế, cuộc nổi dậy nổ ra ngày 25/1 là sự tập hợp của nhiều nhóm hoạt động từng xuống đường suốt 10 năm qua tại Ai Cập. Họ thuộc các thành phần xã hội và chính trị khác nhau, từ công nhân, các blogger, các nhà hoạt động đòi dân chủ cho đến những thẩm phán cấp cao và thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo, phong trào Hồi giáo có quy mô khu vực.

Đây là lần đầu tiên tất cả các nhóm hoạt động này cùng nhau đi biểu tình và cũng là lần đầu tiên họ nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người dân không phải là thành viên trong nhóm của họ. Vai trò của Internet thể hiện ở chỗ các nhóm đối lập đã tập hợp lực lượng và phối hợp với nhau thông qua các mạng xã hội và điện thoại di động.

Lần gần đây nhất Ai Cập chứng kiến cuộc tuần hành có quy mô tương tự là vào những năm 1940. Khi đó những hiệu sách mang quan điểm cấp tiến, các tờ báo bí mật và những cuộc họp của các nghiệp đoàn bị cấm hoạt động đóng vai trò tập hợp lực lượng. Còn ngày nay, với thế hệ công dân số thì vai trò này đã thuộc về Internet và mạng điện thoại di động.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress

Wael Ghonim là ai?

Wael Ghonim, 30 tuổi, vừa được trả tự do sau 11 ngày bị bắt giữ bí mật đã được đám đông hoan nghênh nhiệt liệt khi trở lại công trường Tahrir chiều Thứ Ba, 8 tháng 2. Anh tuyên bố: “Chúng ta sẽ không bỏ cuộc.”

Từ một tên tuổi không ai biết đến Wael Ghonim bỗng nhiên nổi danh quốc tế. Anh sinh tại Cairo ngày 23 tháng 12 năm 1980, công dân Ai Cập và có vợ là dân Mỹ, nhưng hiện nay cư trú ở Dubai, Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Á Rập. Là một kỹ sư điện toán, Ghonim đang làm giám đốc tiếp thị của Google ở vùng Trung Ðông và Bắc Phi. Ghonim nghiễm nhiên chiếm một vai trò đáng kể khi xuất hiện trở lại vào lúc cuộc biểu tình rõ ràng không có người lãnh đạo.

Ghonim mất tích ngày 27 tháng 1 và gia đình báo cho truyền hình Al-Arabia cùng những cơ quan truyền thông khác. Google cũng xác nhận sự kiện này và Amnesty International đã yêu cầu nhà cầm quyền Ai Cập cho biết tin tức cũng như trả tự do cho đương sự nếu đang bắt giữ.

3. Ai Cập – Những ký ức không quên

Thêm ảnh nữa
4. Cuộc nổi dậy Bắc Phi nhìn từ Việt Nam

Ngày 29/1 vừa qua, trên tờ The Star có bài viết nhan đề “Vụ tự sát đã giúp lật đổ chế độ Tunisia” (Suicide protest helped topple Tunisian regime) kèm theo bức ảnh chụp cảnh một người đang cố vẫy vùng do bị phỏng lửa khi toàn thân đã bốc cháy!

Cách mạng từ đây

Nhân vật trong ảnh chính là công dân nước này Mohamed Bouazizi, 26 tuổi, bán hàng trái cây và rau quả trên đường phố Sidi Bouzid, một tỉnh nhỏ nằm ở mạn trung tây Tunisia với dân khoảng 400 ngàn người. Bức ảnh thương tâm này ngay sau đó đã tràn ngập khắp các trang mạng suốt hơn tháng qua, gây xúc động cho hàng triệu người khắp nơi trên thế giới.

Có trang khi trích đăng lại bài báo này chắc do chưa hài lòng với tựa đề trên đặt lại thành ‘The Revolts Started Here – Những cuộc cách mạng đã bắt đầu từ đây, xem cái chết của Mohamed chính là nuyên nhân gây ra làn sóng cách mạng hừng hực tại vùng Bắc Phi hiện nay.

Cũng chẳng có gì quá đáng khi đánh giá như vậy, bởi cách chết để phản đối như thế này xưa nay luôn là nỗi ám ảnh đối với tất cả các nhà cầm quyền, mà trường hợp tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức tại Sàigòn năm 1963 góp phần làm sụp đổ chính thể đệ nhất cộng hòa của cố tổng thống Ngô Đình Diệm không lâu sau đó, vẫn chưa phai nhòa trong ký ức hàng triệu người VN.

Tấm hình chụp nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu này đã từng giúp Malcolm Browne đoạt giải Pulitzer, cho thấy cái chết này cũng đã ‘gây sốc’ cho thế giới khi ấy ra sao.

Chỉ có điều, nếu hậu quả ngày xưa mới chỉ là một, nay với sự trợ giúp của internet nó đã thành mười lần ‘khủng khiếp’ hơn. Ngọn đuốc sống Mohamed Bouazizi không chỉ ‘thiêu rụi’ chính quyền Zine al-Abidine Ben Ali thôi, lửa của nó đã lan sang một số quốc gia lân cận làm nóng bỏng cả vùng Trung Đông suốt hơn tháng qua.

‘Lê văn Tám’ của Tunisia

Theo tờ The Star nói trên thì Mohamed Bouazizi do gia cảnh khó khăn với tám ‘miệng ăn’ đã phải sớm rời ghế nhà trường khi còn đang là học sinh trung học (chứ không như nhiều bản tin bảo là ‘sinh viên’). Anh có thời gian làm việc trong một trang trại nhỏ của người chú ở vùng quê R’gueb, gần tỉnh Sidi Bouzid, nhưng trang trại này sau đó đã bị đóng cửa vì nạn phân bổ đất đai tham nhũng trong khu vực. (chắc cũng tương tự như chuyện nhân danh ‘qui hoạch’ để cướp đất của dân dẫn đến khiếu kiện tràn lan ở VN ta?)

Việc này đã buộc Mohamed quay trở lại Sidi Bouzid kiếm sống bằng bán rong trái cây và rau quả trên đường phố. Do bán hàng rong bị xem là ‘bất hợp pháp’ tại Tunisia, Mohamed đã đã từng bị chính quyền tịch thu chiếc xe cút kít bán hàng nhiều lần, thế nhưng anh ta cũng không còn sự lựa chọn khác, vẫn cứ phải mua sắm hàng hóa để rồi bị tịch thu. Cái vòng tròn luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại khiến Mohamed dần lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu và rồi chuyện gì phải đến cũng đã đến…

Ảnh Mohamed Bouazizi trên Wikipedia

Đó là vào ngày thứ Sáu 17/12/2010, ngày ‘định mệnh’, ngày cuối cùng ‘sự nghiệp’ bán hàng rong của anh ta. Sau khi được chủ vựa đồng ý cho cậu tiếp tục mua thiếu khoảng 200 USD tiền trái cây rau quả để có cái bán kiếm sống. Con người khốn khổ này lại tiếp tục bị cảnh sát tịch thu hàng hóa, chẳng những thế “cậu đã bị cảnh sát tát thẳng vào mặt” như các báo cáo cho biết.

Ngay sau đó Mohamed đã đi thẳng đến trụ sở chính quyền tỉnh để cố gắng bào chữa về trường hợp của mình với vị chủ tịch. Thế nhưng chẳng những anh không được lắng nghe mà còn bị họ ‘ném’ ra ngoài không thương tiếc!

Chính cách đối xử tận cùng tệ mạt như thế đã trở thành gịọt nước cuối cùng đổ vào chiếc ly bất mãn đang đầy lên đến miệng khiến Mohamed trở nên tuyệt vọng và giận dữ chưa từng có.

Anh vét sạch các túi có được ít tiền vừa đủ mua hai chai ‘paint thinner’, một loại dung môi Aceton, Xylene dùng để sơn phủ lên bề mặt lớp sơn có khả năng gây cháy không kém cồn xăng, rồi quay trở lại trụ sở ủy ban Sidi Bouzid và đã tự biến thân mình thành cây đuốc sống ngay trước tòa nhà trụ sở ủy ban.

Đến lúc này các ‘đầy tớ nhân dân’ Sidi Bouzid mới nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề nhưng mọi chuyện đã quá muộn!

Ngay khi Mohamed đang được điều trị tại bệnh viện một cuộc biểu tình đã nổ ra. Cảnh sát lúc này vẫn chưa hết nông nỗi, bắn hơi cay để giải tán đám đông chẳng khác nào ‘đổ dầu thêm vào lửa’.

Mohamed Bouazizi tại bệnh viện. Phải chi bài học về sự vô cảm với dân này được các ‘đầy tớ’ VN thấm nhuần?

Hai tuần tiếp theo các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra nhưng còn lẻ tẻ, chỉ đến khi tin Mohamed đã thiệt mạng hôm 4/12 được loan đi, chính quyền nhanh chóng mất dần quyền kiểm soát đất nước. Qua hai trang cộng đồng Twitter và Facebook, giới trẻ bắt đầu tuần hành ở thủ đô Tunis và lan sang một số vùng đất giàu có khác của Tunisia ở ven biển bày tỏ sự bất mãn. Kết quả là chưa đầy 1 tháng sau vụ tự thiêu của Mohamed tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali đã phải chạy trốn khỏi đất nước, chấm dứt 24 năm cai trị độc tài.

Con người một khi quá tuyệt vọng thường tìm đến cái chết và mặc dù có nhiều cách chết nhưng hiếm ai dám nghĩ đến tự thiêu. Mà chỉ những ai cố tình muốn kẻ đã đẩy mình vào con đường cùng sẽ phải ‘khốn đốn’ vì cái chết của mình, họ mới thực sự có đủ sự can đảm sự tự tin dám thực hiện hành vi này. Càng ít tuổi, còn nhiều ‘ham sống sợ chết’ càng sợ tự thiêu hơn. Trường hợp ‘đuốc sống’ Lê văn Tám mà dân chúng VN xem là biểu tượng suốt nhiều thập niên mãi đến gần đây mọi người mới ‘té ngửa’ vì sự giả dối của huyền thoại này. Nhưng Mohamed Bouazizi ngày nay thì khác. Tên tuổi anh sau này chắc hẳn không chỉ được dân Tunisia ghi nhận như bậc anh hùng, mà ngay đối với các nước láng giềng cùng cảnh ngộ bị cai trị bởi sự độc tài, cũng sẽ nhắc đến anh với lòng khâm phục. Vì anh mới chính là đuốc sống thứ thiệt chứ chẳng phải loại ‘anh hùng bịp bợm’.

Nhìn người lại ngẫm đến ta!

Sau khi sự bất mãn của dân chúng Tunisia bùng nổ và thành công đã xuất hiện những dự đoán về những điều tương tự rất có thể sẽ xảy ra cho VN nay mai, dựa vào những tương đồng giữa hai nước. Như bài “VietnamHYPERLINK “modules.php?name=News&file=article&sid=9404″ as Tunisia in waiting” trên tờ Á châu Thời báo hôm 29/1 của Adam Boutzan (‘Việt Nam sẽ là một Tunisia của tương lai’ http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/MA29Ae01.htm) bài này ngay sau đó đã được dịch ra tiếng Việt và đăng tải trên nhiều trang mạng. Trong đó tác giả nhận định “Ở nhiều nước đang phát triển, giáo dục và mạng xã hội số hóa đã khiến các cư dân thành thị trẻ tuổi nhận thức được những gì mà họ không có. Ở một số nơi, họ không có được những món đồ mà một người bình thường có thể mua nếu anh ta hoặc cô ta có nghề nghiệp ổn định. Ở vài nơi khác, họ không được quyền nói ra những gì họ nghĩ, không được phép thay đổi lãnh đạo, chứ đừng nói gì thay đổi hệ thống. (bản dịch của Đan Thanh, nguồn http://namvietnetwork.wordpress.com/2011/01/29/vi%E1%BB%87t-nam-s%E1%BA%BD-la-tunisia/ )

Nhìn chung, nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy của người dân Tunisia trước hết xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại đã âm ỉ lâu ngày ngay trong lòng của chính đất nước này. Đó là những bất công về thu nhập, về phân phối phúc lợi của cải xã hội cùng sự bất hợp lý của các chính sách nhà nước có liên quan trực tiếp đến đời sống người dân dẫn đến sự phân hoá, chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng trở nên trầm trọng

Vậy liệu ở VN ta đúng là cũng đang có những ‘thùng thuốc nổ’ tương tự các nước Bắc Phi chăng, thiết nghĩ không gì chính xác hơn là dựa vào một số biểu đồ so sánh sau sau:

1. Dân số VN đông nhất so với các nước Bắc Phi đang gặp khủng hoảng hiện nay

2. Nhưng tổng thu nhập của VN thì không phải là cao nhất

(Dữ liệu Ngân hàng Thế giới, http://data.worldbank.org/country)

3. Kết quả là mức thu nhập bình quân / đầu người (GDP) của VN là thấp nhất (2009)


Quốc gia
Tổng thu nhập quốc gia
(Tỷ USD)
Dân số
(triệu người)
Thu nhập
(USD/người/năm)
Ai cập 188,410 82,90 2.270
Algeria 140,577 34,90 4.028
Vietnam 90,091 87,30 1.032
Tunisia 39,561 10,43 3.793
Yemen 26,365 23,58 1.118

4. Sự nguy hiểm là ở chỗ VN lại là dân tộc ‘hiểu biết’ nhất!

Tỷ lệ biết chữ
(năm 2007)
Vietnam Ai cập Algeria Tunisia Yemen
Nam 95 90 94 97 93
Nữ 94 82 91 94 67

5. Bằng chứng là VN đang có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất!

% người dùng điện thoại 27 40 81 76 14
% người sử dụng Internet 20 14 10 17 1

(nguồn dữ liệu UNICEF, http://www.unicef.org/infobycountry/index.html)

6. Lại đang ‘được cai trị’ bởi một nhà nước độc đảng lâu đời nhất, mà chỉ tính riêng từ 30/4/1975 đến nay thôi đã là 36 năm. Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali của Tunisia hay H.Mubarak của Ai Cập chỉ là… ‘đàn em’ !

Quốc gia Lãnh tụ Ngày lên
nắm quyền
‘Tham quyền
cố vị’
Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali 7/11/1987 26 năm
Yemen Ali Abdullah Saleh 22/5/1990 21 năm
Algeria Abdelaziz Bouteflika 27/4/ 1999 12 năm
Ai cập Muhammad Hosni Sayyid Mubarak 14/10/1981 31 năm

Thay lời kết

Chính xác là VN hiện đang có không những ‘thùng thuốc nổ’ nổi dậy thậm chí còn lớn hơn cả họ. Bởi mức độ nghèo đói của dân chúng VN là gấp 3 lần Tunisia, gấp 2 lần Ai Cập, gấp 4 lần Algeria và chỉ ngang bằng với tiểu quốc Yemen, thế nhưng VN lại hiểu biết hơn và cũng đang có một chính quyền độc quyền cai trị lâu hơn ai hết.

Nhưng tiếc là chính trị không phải là toán học! Bấy nhiêu bất công, bấy nhiêu độc tài đã đủ khiến người dân Tunisia làm nên cách mạng, nhưng với một nước VN XHCN dường như vẫn còn rất thiếu!

Đất nước chúng ta bất công vẫn tràn lan, tham ô thất thoát tài sản hàng trăm tỷ, người dân vẫn cứ chết oan ức trong đồn công an… thế nhưng chính trị thì vẫn cứ ổn định trên cả tuyệt vời!

Lý do đơn giản chỉ vì còn có 2 yếu tố quan trọng khác không thể thiếu đối với mọi cuộc cách mạng, đó là: (1) thời điểm ‘châm ngòi’ (mà thường không ai được định trước được) và (2) khả năng gây bùng nổ tức thời của nó mạnh yếu ra sao.

Nhìn vào thực tế chúng ta thấy trong nước trước nay không ít ‘ngòi nổ’ đã được châm, điển hình rất sớm ngay sau khi VN mở cửa đó là vụ nông dân nổi dậy ở Thái Bình hồi năm 1997. Chuyện người nghèo khố rách áo ôm bán hàng rong bị cướp mất phương tiện như Mohamed là ‘chuyện thường ngày ở huyện’ tại các thành phố lớn với các chiến dịch làm đẹp lòng lề đường, làm đẹp hè phố. Hà Noi, Saigòn, Đà Nẵng, Đà Lạt v.v… cũng đã từng ra lệnh cấm bán hàng rong, cấm bán vé số gây bức xúc cho dư luận y hệt như Tunisia. Cũng có loại ‘ngòi nổ’ lớn và nguy hiểm do đụng chạm đến các tôn giáo, như vụ Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm hay Bát Nhã v.v… thế nhưng VN vẫn cứ ‘ổn định’ mà chẳng có cuộc cách mạng hoa nhài, bông bưởi nào xảy ra cả. Vì sao? Rõ ràng còn thiêu thiếu cái gì đó?

Căn bệnh vô cảm: Một số học sinh thản nhiên ngồi nhìn và quay phim một bạn gái bị đánh đập dã man trên phố

Vâng, cái thiếu duy nhất ấy chính là sự thờ ơ đến ‘vô cảm’ đối với những gì đang diễn ra trên chính đất nước thân yêu của mình của đại đa số người dân.

Đã thế sự độc tài ở VN lại không quá lộ liễu ‘thô thiển’ như tại các nước Bắc Phi. Trong khi các lãnh tụ Zine al-Abidine Ben Ali, Ali Abdullah Saleh, Abdelaziz Bouteflika, Hosni Sayyid Mubarak, Cadafi… một mình một chợ cai trị hết thập niên này sang chục năm khác khiến cho dân “nhìn mặt riết chán!” thì CSVN lại ‘khôn ngoan’ hơn rất nhiều khi dựng lên cho mình một chính quyền với đầy đủ ban bệ, nghi thức y hệt như các nước dân chủ. Lãnh tụ VN cũng leo lên bước xuống ra vẻ không có chỗ cho độc tài nào chen chân vào v.v… nhưng người dân thì chẳng phải ai cũng có đủ sự hiểu biết để nhận ra sự ‘độc tài tập thể’ dưới kiểu dân chủ giả hình này.

Bởi vậy, ngày nào cái ‘lỗ hổng’ thờ ơ đối với vận mệnh đất nước của người dân còn chưa được lấp đầy chắc khó có cuộc cách mạng hoa nhài, bông bưởi nào xảy ra nổi. Mọi sự đổi thay vẫn mãi là “ơn trời” (đúng như lời Adam Boutzan trong bài báo trên), nếu xảy ra thật chẳng qua đó là chuyện hên xui do bản thân hệ thống chính trị hiện nay vì vấp phải lỗi nào đó quá trầm trọng gây nên mà thôi.

Nội tình đấu tranh dân chủ tại VN còn khó khăn là thế, việc WikiLeaks tiết lộ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) từng lên kế hoạch chi 66,5 triệu USD trong năm 2008 và 75 triệu USD trong năm 2009 cho các chương trình thúc đẩy dân chủ và quản lý ở Ai Cập, hành động được xem như ngầm ủng hộ lật đổ ‘đồng minh’ lâu năm H.Mubarak, chắc sẽ khiến Hà Nội lưu tâm và cảnh giác hơn trong mọi quan hệ với nước này. Nỗi ám ảnh về ‘diễn biến hòa bình’ sẽ còn nằm trong đầu họ lâu hơn và như vậy, mọi sự đổi thay nhờ tác động từ bên ngoài càng khó có thể xảy ra hơn.

Sàigòn, 11/2/2011
Alf. Hoàng Gia Bảo
Xem thêm:
Tài sản của ông Mubarak
11 nước có khả năng trở nên Ai Cập

Tháng Hai 13, 2011 Posted by | Chuyên mục khác | , | Bình luận về bài viết này